Tham dự sự kiện chiều 13/4, về phía tỉnh Cà Mau có Ủy viên dự khuyết Ban chấp hàng Trung ương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cùng đại diện các sở, ngành. Về phía FPT có Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Marketing & Truyền thông Võ Đặng Phát và đại diện các đơn vị thành viên.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, Cà Mau có 3 mặt giáp biển, vị trí địa lý ở cực Nam của Tổ quốc vừa thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn. Tỉnh mong muốn thu hút nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để giúp Cà Mau đột phá về hạ tầng, và đặc biệt là nâng cao nguồn nhân lực, thu hút người tài.
Người điều hành nhà F cũng thông tin, hiện FPT có 60.000 người, tập trung chính trong 3 lĩnh vực: công nghệ, giáo dục, viễn thông. Tổng số học sinh – sinh viên theo học tại các hệ thống giáo dục của FPT là 140.000, trải dài các cấp phổ thông, cao đẳng, đại học, sau đại học. FPT hiện diện tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2022 Tập đoàn đã mang về cho Việt Nam 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài, tất cả đều nhờ trí tuệ. Kế hoạch của Tập đoàn vào 13 năm nữa – đến 2035 – là cán mốc 1 triệu nhân viên và VN sẽ trở thành nơi cung cấp dịch vụ công nghệ cho nước ngoài. “Chính vì vậy chiến lược xây dựng hệ thống giáo dục FPT trên toàn quốc là then chốt, để tạo nguồn lực cho địa phương, cho FPT và tạo động lực cho sự phát triển chung”, anh Khoa khẳng định.
Người dân có thể kết nối với hệ thống dữ liệu dân cư, thanh toán không tiền mặt. Song song, FPT sẽ tham gia hỗ trợ chính quyền gần gũi với doanh nghiệp, để chính quyền sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc. “FPT tin rằng, kể cả chuyển đổi số trong ứng dụng kinh tế số cũng là một khác biệt, chúng tôi tin những hành động như vậy sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện rõ rệt”, TGĐ FPT nói.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thành viên FPT và các sở, ngành Cà Mau cùng chia sẻ thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Trong lĩnh vực giáo dục, Tập đoàn FPT đề xuất triển khai hệ thống quản lý cơ sở ngành (cổng thông tin điện tử toàn ngành giáo dục; hệ thống phần mềm quản lý văn bằng chứng chỉ,..); triển khai hệ thống trực tuyến (học trực tuyến, kho học liệu dùng chung, thư viện điện tử,..); triển khai các sân chơi, cuộc thi online về học tập và lập trình miễn phí giúp học sinh làm quen, ứng dụng CNTT vào học tập, thi cử. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn các giải pháp công nghệ, phần mềm hỗ trợ giảng dạy/đào tạo trong chuyển đổi số; kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ngành giáo dục.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, đánh giá cao những kinh nghiệm thực tiễn, cách tiếp cận hiệu quả của VioEdu và Violympic trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học. Sở GD&ĐT Cà Mau kỳ vọng sẽ cùng FPT nhanh chóng triển khai các đề xuất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số tại địa phương, đặt mục tiêu hoàn thành sớm Chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Đánh giá cao nguyện vọng của FPT về đầu tư cơ sở giáo dục tại địa phương, ông Huỳnh Quốc Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ban ngành phối hợp FPT trao đổi, để xuất phương án cụ thể trong thời gian sớm nhất. “Tinh thần là nói thật, làm thật, kết quả thật”, người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau kết luận.